Hỗ trợ (support) và kháng cự (resistance) là một trong những khái niệm quan trọng nhất và là nền tảng của phân tích kỹ thuật chứng khoán. Tìm hiểu chúng là gì và chúng hoạt động như thế nào là điều cần thiết để giúp nhà đầu tư đọc đúng biểu đồ giá cổ phiếu, từ đó tìm ra được điểm mua và bán tối ưu hơn.
Phân tích kỹ thuật thừa nhận rằng các cổ phiếu đều tăng và giảm giá dựa theo quy luật cung và cầu. Bằng cách quan sát các chuyển động giá trong một khung thời gian, các nhà đầu tư chứng khoán tìm cách xác định các mô hình. Giá của một cổ phiếu gặp vùng hỗ trợ sẽ khó giảm thấp hơn, ngược lại giá gặp vùng kháng cự sẽ khó tăng thêm vì phe bán chốt lời cổ phiếu.
![]() |
Hỗ trợ và kháng cự là gì |
{getToc} $title={Mục lục bài viết} $count={false}
Hỗ trợ (Support) là gì?
Trong xu hướng giảm (downtrend), giá cổ phiếu giảm vì cung vượt quá cầu. Giá càng thấp thì càng hấp dẫn những người đang chờ đợi bên ngoài để mua cổ phiếu. Tại thời điểm này lực cầu từ phe mua vào cổ phiếu sẽ mạnh hơn nguồn cung từ phe bán, do đó giá cổ phiếu sẽ ngừng giảm và xu hướng có khả năng sẽ đảo chiều từ giảm sang tăng. Đây là hỗ trợ (còn được gọi là Đáy).
Hỗ trợ có thể là một mức giá duy nhất trên biểu đồ nhưng thường là một vùng giá. Trong xu hướng giảm, giá cổ phiếu đang giảm xuống một mức giá nào đó nhưng bỗng nhiên tại đây hấp dẫn lực cầu từ người mua khiến cho giá cổ phiếu khó giảm thấp hơn nữa, và giá cổ phiếu bật tăng trở lại. Vùng giá này được goi là vùng hỗ trợ (support level).
Ví dụ, giá cổ phiếu thép Hoà Phát HPG giảm từ 28 xuống 25 vào tháng 4-2024. Tại vùng giá 25 này lực cầu từ phe mua chiếm ưu thế hơn so với nguồn cung từ phe bán, nên giá HPG đảo chiều tăng lên 30 vào tháng 6. Vùng giá 25 này được gọi là Hỗ Trợ. Sau đó giá HPG lại giảm xuống vùng giá gần 25 lần nữa vào tháng 9-2024, và bật tăng trở lại. Tại đây ta xác định thêm được mức Hỗ Trợ tại vùng giá 25 (có thể xem vùng giá từ 25.0 đến 25.3 tạo thành ngưỡng hỗ trợ chứ không phải là một mức giá cụ thể là 25.0). Và nhà đầu tư hoặc các trader sau khi quan sát diễn biến giá cổ phiếu thép HPG khó giảm dưới mức giá 25 sẽ tạo ra tâm lý chờ đợi trong tương lai nếu giá cổ phiếu HPG một lần nữa xuống gần vùng giá này thì anh ta sẽ mua vào. Giá càng nhiều lần chạm vùng hỗ trợ nào đó rồi bật lên thì vùng hỗ trợ này càng mạnh.
![]() |
Vẽ hỗ trợ của cổ phiếu thép HPG |
Kháng cự (Resistance) là gì?
Kháng cự là vùng giá của cổ phiếu mà tại đây giá khó tăng thêm, và xu hướng tăng sẽ có khả năng đảo chiều sang giảm. Tại vùng giá cao này ít hấp dẫn nhà đầu tư mua vào, đồng thời nhiều người khác bán ra chốt lời cổ phiếu dẫn đến nguồn cung lớn cầu khiến cho giá cổ phiếu quay đầu giảm tạo ra các Kháng cự (hay còn gọi là Cản hoặc là Đỉnh).
Kháng cự là một vùng giá chứ không nhất thiết phải là một mức giá cụ thể vì tâm lý thị trường và phân tích kỹ thuật không phải là bộ môn khoa học chính xác tuyệt đối.
Ví dụ giá cổ phiếu Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) tăng từ mức giá 60 vào tháng 10-2022 lên mức giá 76 vào tháng 12-2022 sau đó giảm xuống. Vùng giá 76 mũi tên màu Cam gọi là Kháng cự (hoặc là Đỉnh). Giá cổ phiếu VNM một lần nữa tăng lên mức giá 76 vào tháng 9/2023, tại đây tâm lý nhà đầu tư nghĩ rằng giá cổ phiếu gặp kháng cự tại Đỉnh 76 trước đó sẽ khó tăng thêm nên họ bán ra khiến cho giá VNM lại giảm xuống. Điều này tạo ra một kháng cự tại vùng giá 76. Tại một vùng giá nào đó, mà kháng cự xuất hiện càng nhiều thì vùng kháng cự (resistance level) đó càng mạnh, tạo ra tâm lý bán cổ phiếu khi giá tăng lên gần đến vùng kháng cự này.
![]() |
Kháng cự tại vùng giá 76 của cổ phiếu Vinamilk |
Các cách xác định vùng hỗ trợ và kháng cự
Vẽ vùng hỗ trợ và kháng cự trên biểu đồ nến Nhật
Hỗ trợ và kháng cự là một vùng giá chứ không nhất thiết phải là một mức giá cụ thể. Biểu đồ nến Nhật biễu diễn các chuyển động giá cổ phiếu. Do đó nhà đầu tư có thể dùng bóng nến hoặc một phần nhỏ của thân nến để vẽ hỗ trợ hoặc kháng cự. Cách vẽ này còn gọi là xác định vùng hỗ trợ hoặc kháng cự tĩnh.
Ví dụ trong hình bên dưới của cổ phiếu Vinamilk, ta nối các kháng cự mũi tên màu Cam (đỉnh) tại vùng giá 76 lại với nhau tạo thành một vùng kháng cự. Ngược lại, ta nối các hỗ trợ mũi tên màu Xanh (Đáy) tại vùng giá 60 tạo thành vùng hỗ trợ. Quan sát trên biểu đồ giá cổ phiếu VNM, ta thấy rằng khi giá tăng lên chạm vùng kháng cự 76 thì sau đó giá có xu hướng quay đầu giảm. Còn khi giá giảm xuống vùng hỗ trợ 60, ta thấy giá cổ phiếu bật tăng trở lại.
![]() |
Vẽ vùng hỗ trợ và kháng cự của cổ phiếu Vinamilk |
Dùng đường xu hướng (trendlines)
Trong thị trường chứng khoán đầy biến động, giá cổ phiếu sẽ di chuyển theo xu hướng tăng hoặc xu hướng giảm. Chúng ta sẽ thấy các kháng cự (đỉnh) và hỗ trợ (đáy) sẽ thay đổi các mức giá theo thời gian.
Khi xu hướng là giảm, ta vẽ đường chéo nối từ 2 Đỉnh (kháng cự) trở lên sẽ tạo thành đường kháng cự (còn gọi là cản chéo hoặc đường xu hướng giảm). Trong tương lai khi giá cổ phiếu hồi phục lên gặp đường kháng cự này, thì khả năng sẽ gặp phải áp lực bán lớn khiến cho giá cổ phiếu rất khó vượt qua đường này.
![]() |
Đường xu hướng giảm của cổ phiếu HSG |
Khi xu hướng là tăng, ta vẽ đường chéo nối ít nhất 2 Đáy (Hỗ trợ) trở lên sẽ có được đường xu hướng tăng đóng vài trò là hỗ trợ. Trong tương lai khi giá cổ phiếu giảm gần chạm vào đường hỗ trợ này, thì khả năng giá cổ phiếu sẽ bật tăng trở lại vì tâm lý mua vào cổ phiếu gần mức giá hỗ trợ.
![]() |
Đường xu hướng tăng của cổ phiếu FTS |
Sử dụng đường trung bình động
Đường trung bình động (Moving Average) được tính dựa trên trung bình của các mức giá đóng cửa trong quá khứ. Giá cổ phiếu di chuyển theo xu hướng tăng hoặc giảm, nhưng sau đó sẽ có khuynh hướng tiến về mức giá trung bình của nó. Do đó, nhà đầu tư có thể sử dụng đường trung bình MA (với độ dài 20, 50 hoặc 200 chu kỳ) để dùng làm hỗ trợ hoặc kháng cự động.
Khi giá cổ phiếu nằm trên đường trung bình MA50 ngày chẳng hạn, trong tương lai nếu giá giảm về gần đường MA50 thì thường sẽ xuất hiện lực mua vào khiến cho giá cổ phiếu bật tăng trở lại. Đường MA50 này đóng vai trò là hỗ trợ.
Khi giá cổ phiếu nằm dưới đường trung bình MA50 ngày, trong tương lai nếu giá hồi phục lên gần đường MA50 thì thường tâm lý thị trường sẽ bán chốt lời hoặc gặp phải nguồn cung từ những nhà đầu tư đu đỉnh trước đó bán ra khiến cho giá cổ phiếu quay đầu giảm. Đường MA50 lúc này đóng vai trò là kháng cự.
![]() |
Đường MA50 làm hỗ trợ và kháng cự động |
Dùng số tròn chẵn đẹp
Bởi vì tâm lý con người dễ hình dung các con số tròn chẵn đẹp trên các mệnh giá tiền khi mua bán, ví dụ như số tròn 10k, 20k, 100k. Thường trong đầu tư chứng khoán, khi giá cổ phiếu từ mức 15k giảm về giá 10k thì nhà đầu tư thường mua vào vì cho là rẻ. Hoặc khi giá cổ phiếu từ 91k tăng lên 100k thì nhiều người bán ra chốt lời vì thấy con số 100k khiến cho giá cổ phiếu có vẻ đắt. Dân dà hình thành tâm lý thị trường phản ứng tại các mức giá cổ phiếu có số chẵn đẹp, và các mức giá tròn chẵn này tạo nên những hỗ trợ hoặc kháng cự tại đó.
Trong đợt sập của thị trường chứng khoán Việt Nam Vn-Index vào tháng 11/2022, giá nhiều cổ phiếu bất động sản giảm rất mạnh. Giá cổ phiếu Phát Đạt PDR từ 50k giảm về vùng giá 10k, thì đột nhiên có lực cầu mua vào rất lớn. Vì tâm lý nhà đầu tư cho rằng là số tròn chẵn 10k là đủ rẻ để mua vào cổ phiếu PDR. Tâm lý số tròn 10k tạo thành hỗ trợ.
Dãy số Fibonacci với các tỷ lệ vàng
Ví dụ giá cổ phiếu Gemadept GMD tăng từ vùng giá 10k tháng 3/2020 lên vùng giá 48k vào tháng 6/2022. Sau đó giá cổ phiếu GMD điều chỉnh giảm xuống mức giá khoảng 29k vào tháng 11/2022. Khi chạm vùng giá 29k này, đột nhiên xuất hiện lực cầu mua vào khiến cho giá cổ phiếu GMD bật tăng trở lại. Trùng hợp thay, mức giá 29k này lại khớp với tỷ lệ Fibonnaci thoái lui tại tỷ lệ vàng 0,5. Tỷ lệ vàng 0,5 đóng vai trò là hỗ trợ khá mạnh.
![]() |
Dùng Fibonacci thoái lui làm hỗ trợ |
Lời kết
Các tính chất quan trọng của hỗ trợ và kháng cự mà nhà đầu tư cần ghi nhớ:
- Hỗ trợ bị phá vỡ sẽ biến mức giá này thành kháng cự, ngược lại khi kháng cự bị vượt qua thì mức giá này sẽ đóng vai trò là kháng cự trong tương lai.
- Giá cổ phiếu tăng lên một vùng giá X nào đó gặp phải áp lực bán khiến nó giảm xuống, phản ứng gặp kháng cự tại vùng giá X mà diễn trong nhiều tháng nhiều năm thì làm cho kháng cự X này càng mạnh. Ví dụ thị trường chứng khoán Vn-Index trong nhiều năm gặp kháng cự 1200 điểm rất khó vượt qua, ta nói rằng mức 1200 điểm là kháng cự mạnh. Ngược lại, trong nhiều tháng nhiều năm dù biến động nhưng giá cổ phiếu khó giảm xuống thấp hơn mức Y nào đó, thì ta nói rằng hỗ trợ Y này mạnh.
- Hỗ trợ và kháng cự dùng được trong mọi khung thời gian như: 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng. 1 năm. Các khung thời gian ngắn giá biến động lớn như 15 phút, 1 giờ chỉ dành cho các trader ngắn hạn trong Forex, Bitcoin. Còn trong chứng khoán, nhà đầu tư nên sử dụng khung thời gian dài hơn, thì việc xác định hỗ trợ và kháng cự đỡ bị nhiễu, và cho độ chính xác cao hơn.
Mời nhà đầu tư theo dõi bài viết tiếp theo trên trang Chứng khoán Wiki với nội dung: Xu hướng (trend) trong phân tích kỹ thuật chứng khoán là gì.