Lý thuyết Dow trong phân tích kỹ thuật chứng khoán

Lý thuyết Dow (Dow Theory) là nền tảng quan trọng trong Phân tích kỹ thuật chứng khoán hiện đại. Lý thuyết Dow bao gồm 6 nguyên lý cơ bản giúp cho nhà đầu tư hiểu rõ hơn về xu hướng thị trường và xác định biến động của giá lẫn khối lượng chính xác hơn.

ly thuyet Dow trong phan tich ky thuat chung khoan
Lý Thuyết Dow trong phân tích kỹ thuật chứng khoán. Ảnh: Topi

{getToc} $title={Mục lục bài viết} $count={false}

Lý Thuyết Dow là gì?

Lý thuyết Dow bao gồm 6 nguyên lý cơ bản giúp nhà đầu tư giải thích cách vận động của thị trường chứng khoán và tài chính. Charles Dow đã xây dựng lý thuyết Dow dựa trên nguyên tắc: thị trường chứng khoán chính là thước đo tổng thể của một nền kinh tế.

Dù đã ra đời hơn 100 năm nhưng lý thuyết Dow vẫn còn đóng vai trò quan trọng trên thị trường chứng khoán và tài chính hiện nay. Các khái niệm như xu hướng, hỗ trợ và kháng cự và những chỉ báo phân tích kỹ thuật hiện đại như: RSI, MACD, sóng Elliott, trendline, Wyckoff... đều được xây dựng dựa trên lý thuyết Dow.

Lịch sử hình thành của Lý thuyết Dow

Ban đầu lý thuyết Dow được Charles Dow đăng trên tạp chí Wall Street Journal dưới dạng các bài xã luận nói lên quan điểm của ông về những biến động xu hướng của thị trường chứng khoán thông qua 2 chỉ số cơ bản là chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và đường sắt Dow Jones được tạo ra vào năm 1897. Ông đã đưa ra khái niệm chỉ số giá bình quân gồm tập hợp của các cổ phiếu đại diện cho thị trường chứng khoán và nền kinh tế Mỹ thời bấy giờ. Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư sẽ cần quan tâm đến chỉ số thị trường VN-Index và VN30.

Năm 1902, Charles Dow đột ngột qua đời khiến cho những công trình nghiên cứu về lý thuyết Dow vẫn còn dang dở. Những người cộng sự của ông là Hamilton và Robert Rhea đã tiếp tục hoàn thiện các nguyên lý của lý thuyết Dow qua việc xuất bản cuốn sách The Dow Theory vào năm 1932. Các tài liệu về lý thuyết Dow ngày nay đều dựa trên cuốn sách này.

6 nguyên lý cơ bản của lý thuyết Dow trong chứng khoán

Lý thuyết Dow được xây dựng dựa trên 6 nguyên lý cơ bản sau đây:

Nguyên lý 1: Thị trường phản ánh giá của tất cả mọi thứ

Thị trường phản ánh mọi thông tin có sẵn. Mọi thứ đều phản ánh vào thị trường thông qua giá cả. Ví dụ các thông tin kinh tế vĩ mô như GDP, lạm phát, lãi suất hay tin tức chính trị quan trọng đều phản ánh vào giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Các thông tin bất ngờ như động đất, sóng thần, dịch bệnh covid cũng sẽ tác động vào xu hướng giá ngắn hạn, nhưng sẽ khó làm thay đổi xu hướng chính của thị trường.

Nguyên lý 2: Thị trường có 3 xu hướng 

thị trường gồm có 3 xu hướng theo nguyên lý của lý thuyết Dow
Thị trường chứng khoán gồm có 3 xu hướng

Charles Dow và Hamilton cho rằng thị trường chứng khoán sẽ di chuyển theo 3 xu hướng sau: xu hướng chính (primary trend). xu hướng thứ cấp (secondary trend) và xu hướng nhỏ biến động giá hàng ngày (minor trend).

  • Xu hướng chính: là xu hướng lớn của thị trường và có thể kéo dài trong một đến vài năm. Xu hướng chính có thể là xu hướng tăng trong thị trường giá lên (bull market), hoặc là xu hướng giảm trong thị trường giá xuống (bear market). Ví dụ thị trường chứng khoán VN-Index giá lên từ tháng 4/2020 đến 11/2021.
  • Xu hướng thứ cấp: là các xu hướng nằm trong xu hướng chính và có thể kéo dài trong vài tuần đến vài tháng, nhưng các xu hướng thứ cấp sẽ di chuyển ngược chiều với xu hướng chính. Ví dụ trong thị trường giá lên từ tháng 4/2020, chúng ta sẽ thấy các xu hướng thứ cấp giảm giá trong vài tuần rồi sau đó thị trường tiếp tục tăng giá trở lại.
  • Xu hướng nhỏ: là các xu hướng giá tăng giảm hàng ngày nằm trong xu hướng thứ cấp, thường kéo dài trong vài ngày đến dưới 3 tuần. Bản thân các xu hướng nhỏ chỉ là các dao động nhiễu hàng ngày và không có nhiều ý nghĩa.

Nguyên lý 3: Xu hướng chính gồm 3 giai đoạn

Xu hướng chính là xu hướng quan trọng cần được các nhà đầu tư quan tâm nhất, quá trình phát triển của nó sẽ trải qua 3 giai đoạn.

Xu hướng chính trải qua 3 giai đoạn theo lý thuyết Dow
Xu hướng chính trải qua 3 giai đoạn

Xu hướng chính trong thị trường giá lên sẽ gồm 3 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn tích luỹ: trong thị trường này, giá cổ phiếu sẽ biến động rất nhỏ. Giai đoạn tích luỹ thường xuất hiện ở gần cuối của một thị trường giá xuống, lúc này giá cổ phiếu đã giảm sâu, nhiều nhà đầu tư tuyệt vọng khi thị trường xuất hiện nhiều tin tức xấu. Giá trị cổ phiếu lúc này thường hấp dẫn đối với nhà đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, rất khó nhận ra khi nào thị trường giá xuống sẽ kết thúc, cho nên giai đoạn này có rất ít nhà phân tích kỹ thuật chú ý.
  • Giai đoạn bùng nổ: sau khi các nhà đầu tư cá mập lớn và các tổ chức gom xong cổ phiếu giá rẻ trong thị trường giá xuống, đến giai đoạn này giá cổ phiếu bắt đầu tăng mạnh và thị trường xuất hiện các tin tức tốt. Các nhà đầu cơ theo trường phái phân tích kỹ thuật bắt đầu chú ý và mua vào lượng lớn cổ phiếu, khiến cho giá càng tăng cao hơn.
  • Giai đoạn quá độ: sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, thị trường bắt đầu dần suy yếu và giá nhiều cổ phiếu khó tăng thêm. Đây cũng là giai đoạn các nhà đầu tư tổ chức và cá mập bắt đầu phân phối cổ phiếu sang các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mới gia nhâp thị trường chứng khoán, họ còn thiếu kinh nghiệm khi thấy các tin tức tốt xuất hiện nhiều trên báo chí.
Xu hướng chính trong thị trường giá xuống sẽ trải qua 3 giai đoạn sau:
  • Giai đoạn phân phối: thường thị trường chứng khoán sẽ di chuyển dạng zigzac tăng giảm với biên độ thấp, nhiều cổ phiếu không thể vượt đỉnh sau khi đã tăng giá mạnh. Lúc này tạo lập và nhà đầu tư tổ chức lớn bắt đầu tung tin tức tốt để dụ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ ít kinh nghiệm mua vào cổ phiếu trên vùng đỉnh. Và sau đó xu hướng giảm bắt đầu, dẫn đến một thị trường giá xuống.
  • Giai đoạn tuyệt vọng: thời điểm giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh, các tin tức xấu liên tục xuất hiện khiến cho các nhà đầu tư lo lắng sợ hãi và họ bắt đầu bán tháo cổ phiếu.
  • Giai đoạn sụp đổ: đây là giai đoạn giá cổ phiếu đã giảm rất mạnh, khiến cho nhiều nhà đầu tư càng lo lắng hơn và họ càng bán tháo cổ phiếu, thường cũng là lúc các cuộc gọi giải chấp (margin call) từ các công ty chứng khoán xuất hiện nhiều hơn.

Nguyên lý 4: Các chỉ số bình quân phải xác định lẫn nhau

Theo lý thuyết Dow, các xu hướng của chỉ số công nghiệp và chỉ số đường sắt Dow Jones phải xác nhận lẫn nhau. Tức là trong một thị trường giá lên, thì chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số đường sắt Dow Jones phải cùng có xu hướng tăng và ngược lại.

các chỉ số bình quân phải xác nhận lẫn nhau theo lý thuyết Dow
Các chỉ số thị trường Vn-Index VN30 HNX30 phải xác nhận lẫn nhau

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi chỉ số Vn-Index có xu hướng tăng thì các chỉ số khác như Vn30 hay Vn100 hay chỉ số HNX cũng phải di chuyển theo xu hướng tăng thì ta mới có thể kết luận là thị trường giá lên.

Nguyên lý 5: Khối lượng (Volume) phải xác nhận xu hướng

Theo lý thuyết Dow, khối lượng sẽ tăng khi giá di chuyển cùng hướng với xu hướng chính và khối lượng sẽ giảm khi giá di chuyển ngược chiều với xu hướng chính.

Khối lượng phải xác nhận xu hướng theo lý thuyết Dow
Khối lượng tăng khi giá tăng trong xu hướng chính ở thị trường giá lên

Nếu xu hướng chính là tăng trong thị trường giá lên thì:

  • Khối lượng sẽ tăng khi giá tăng và giảm khi giá giảm.
  • Khối lượng thấp trong giai đoạn điều chỉnh vì nhà đầu tư có niềm tin rằng gía cổ phiếu sẽ tiếp tục đi lên nên họ vẫn nắm giữ cổ phiếu và ít giao dịch khiến cho khối lượng thấp.
  • Trong xu hướng tăng giá tiếp tục thiết lập đỉnh mới, nhưng khối lượng lại thấp dần thì rất có khả năng các nhà đầu tư lớn bắt đầu phân phối cổ phiếu, nhiều người mua không còn hào hứng đẩy giá cổ phiếu cao hơn nữa. Rất có thể xu hướng tăng sẽ suy yếu và kết thúc.
Nếu xu hướng chính là giảm trong thị trường giá xuống thì:
  • Khi khối lượng tăng lên trong các phiên giảm, tức là sau khi đã phần phối phần lớn cổ phiếu vào tay các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ ít kinh nghiệm thì các nhà đầu tư lớn bắt đầu chốt lời mạnh hơn nữa khiến cho giá giảm và khối lượng tăng cao. Còn nhiều nhà đầu tư cá nhân lại bắt đầu cắt lỗ làm cho khối lượng tăng cao hơn nữa.
  • Trong xu hướng giảm nhưng khối lượng thấp dần, có thể nhà đầu tư ít quan tâm đến thị trường, hoặc cũng có thể thị trường đi vào giai đoạn tích luỹ. Khả năng xu hướng giảm rất khó giảm mạnh thêm nữa.

Nguyên lý 6: Xu hướng duy trì cho đến khi có dấu hiệu đảo chiều

Charles Dow cho rằng rất khó để phân biệt xu hướng thứ cấp với sự đảo chiều của xu hướng chính. Ví dụ thị trường chứng khoán Vn-Index sau tháng 4/2022 bắt đầu xu hướng giảm giá mạnh, đến tháng 5/2022 Vn-Index hồi phục từ mốc 1160 điểm lên mốc 1300 điểm nhưng đây chỉ là xu hướng thứ cấp chứ không phải là sự đảo chiều của xu hướng giảm. Sau đó thị trường Vn-Index tiếp tục di chuyển theo xu hướng giảm đến tận tháng 11/2022 xuống mốc 873 điểm.

Cũng theo định luật chuyển động của Newton, rất khó bẻ gãy đường đi của một vật đang chuyển động nhanh cho đến khi có một lực đủ mạnh tác động vào. Nói theo ngôn ngữ của lý thuyết Dow, giả sử thị trường chứng khoán VN-Index đang ở trong thị trường giá xuống tại tháng 11/2022, giá nhiều cổ phiếu đã giảm rất sâu, các cuộc gọi giải chấp từ công ty chứng khoán xuất hiện nhiều, các chỉ báo RSI siêu quá bán, các Mô Hình Nến Nhật đảo chiều tăng xuất hiện, khối lượng cực lớn ở vùng đáy... chúng ta phải kết hợp nhiều công cụ kỹ thuật cho tín hiệu đảo chiều mạnh thì mới có thể kết luận rằng xu hướng giảm đã kết thúc.

Lời kết

Trải qua hơn một thế kỹ, lý thuyết Dow vẫn có chỗ đứng vững chắc trong phân tích kỹ thuật chứng khoán và tài chính hiện đại. Tuy nhiên, lý thuyết Dow vẫn còn tồn tại vài mặt hạn chế như sau:

Lý thuyết Dow có độ trễ lớn:

Nguyên lý thứ 3 chia xu hướng chính ra làm 3 giai đoạn. Nếu nhà đầu tư chỉ mua vào ở giai đoạn bùng nổ (trong xu hướng chính là tăng) thì sẽ bỏ qua cơ hội mua các cổ phiếu giá hời. Hoặc nếu nhà đầu tư bán ra ở giai đoạn tuyệt vọng sau khi giá cổ phiếu đã giảm sâu, rất có thể đã bị bán ngay gần đáy.

Khó áp dụng lý thuyết Dow trong giao dịch ngắn hạn:

Lý thuyết Dow quan tâm chủ yếu xu hướng chính và cần xác định các đỉnh và đáy mới rõ ràng thì mới giao dịch. Do đó, nhà đầu tư sẽ thường bỏ quan các biến động giá hàng ngày trong xu hướng nhỏ và xu hướng thứ cấp.

Không cung cấp điểm mua bán rõ ràng:

Lý thuyết Dow chỉ cung cấp cách xác định xu hướng thị trường, nhưng không chỉ ra cụ thể các điểm cần mua bán cổ phiếu.

Lý thuyết Dow không phải lúc nào cũng đúng:

Dù thị trường phản ánh mọi thông tin vào giá cả, nhưng với những loại tin tức không thể dự báo trước được như dịch bệnh covid hay khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho thị trường chứng khoán giảm giá rất nhanh và do đó rất khó để áp dụng nguyên lý xu hướng chính trong lý thuyết Dow.


Qua bài viết này, Chứng khoán Wiki hy vọng các nhà đầu tư chứng khoán sẽ hiểu rõ hơn về lý thuyết Dow và cách áp dụng nó vào việc mua bán cổ phiếu hiệu quả hơn. Nhà đầu tư hay trader nên nắm thật vững lý thuyết Dow trước khi tiếp tục các bài viết về các chỉ báo phân tích kỹ thuật khác.

Mới hơn Cũ hơn